Luật số: 67/2011/QH12 - Luật Kiểm toán độc lập đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 3 ngày 2011.29/3/2016 Luật số: 67/2011/QH12 - Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 ngày 2012. Điều 37. Đơn vị được kiểm toán 1. Doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; b) Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng; c) Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. d) Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán. 2. Doanh nghiệp, tổ chức phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: a) Doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm; b) Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; c) Doanh nghiệp, tổ chức có vốn góp của Nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước khác do Chính phủ quy định phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm hoặc báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; d) Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm. 3. Việc kiểm toán báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đối với doanh nghiệp, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này không thay thế cho việc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. 4. Doanh nghiệp, tổ chức khác tự nguyện được kiểm toán. Điều 38. Quyền của đơn vị được kiểm toán 1. Lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và kiểm toán viên hành nghề có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật để giao kết hợp đồng kiểm toán, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán và thông tin về kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện kiểm toán. 3. Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm toán. 4. Đề nghị thay thế thành viên tham gia cuộc kiểm toán khi có căn cứ cho rằng thành viên đó vi phạm nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập trong quá trình thực hiện kiểm toán. 5. Thảo luận, giải trình bằng văn bản về những vấn đề được nêu trong dự thảo báo cáo kiểm toán nếu thấy chưa phù hợp. 6. Khiếu nại về hành vi của thành viên tham gia cuộc kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật. 7. Yêu cầu bồi thường trong trường hợp doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam gây thiệt hại. 8. Quyền khác theo quy định của pháp luật. Điều 39. Nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán 1. Cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời, khách quan thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp. 2. Thực hiện yêu cầu của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam về việc thu thập bằng chứng kiểm toán theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán và điều chỉnh các sai sót để báo cáo kiểm toán không có ý kiến ngoại trừ đối với các nội dung không được ngoại trừ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 48 của Luật này. Trường hợp không điều chỉnh sai sót theo ý kiến của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, đơn vị được kiểm toán phải giải trình bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đại diện chủ sở hữu đối với đơn vị được kiểm toán. 3. Phối hợp, tạo điều kiện cho kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán. 4. Không được có hành vi hạn chế phạm vi các vấn đề cần kiểm toán. 5. Xem xét đề nghị của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam về tồn tại, sai sót trong báo cáo tài chính và trong việc tuân thủ pháp luật để có biện pháp khắc phục kịp thời. 6. Thông báo kịp thời, đầy đủ các vi phạm pháp luật và vi phạm hợp đồng kiểm toán trong hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 7. Thanh toán phí dịch vụ kiểm toán theo thỏa thuận trong hợp đồng. 8. Trường hợp ký hợp đồng kiểm toán với một doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam từ ba năm liên tục trở lên thì phải yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thay đổi kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán. 9. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Tải về: Luật số: 67/2011/QH12 - Luật Kiểm toán độc lập Xem thêm bài viết: Những Doanh nghiệp bắt buộc phải Kiểm toán Báo cáo tài chính Doanh nghiệp bắt buộc phải Kiểm toán BCTC, phải nộp đính kèm theo Báo cáo Kiểm toán Bài viết chủ đề tài chính kế toán thuế |