Ngày 22/12/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp (thay thế cho Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006, Thông tư 244/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009) và Thông tư 202/2014/TT-BTC Hướng dẫn Báo cáo tài chính hợp nhất (thay thế phần XIII-Thông tư số 161/2007/TT-BTC ngày 31/12/2007 hướng dẫn lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất theo Chuẩn mực kế toán số 25 “Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư vào công ty con”); có hiệu lực từ ngày 05/02/2015 và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2015. Tóm tắt những điểm mới trong Thông tư 200/2014/TT-BTC như sau: A. Tóm tắt những nội dung thay đổi về Chế độ kế toán doanh nghiệp tại Thông tư 200/2014/TT-BTC thay thế Quyết định15/2006/QĐ-BTC (gọi tắt là QĐ 15): 1. Về Sổ kế toán: Các doanh nghiệp không bắt buộc phải áp dụng mẫu sổ kế toán như trước mà được tự thiết kế, xây dựng riêng phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc điểm hoạt động của mình. Trường hợp không tự xây dựng có thể áp dụng biểu mẫu sổ kế toán theo phụ lục 4 Thông tư 200/2014/TT-BTC; Không bắt buộc áp dụng 4 hình thức Nhật ký chung, Nhật ký sổ Cái, Nhật ký chứng từ và Chứng từ ghi sổ. Các doanh nghiệp áp dụng theo hình thức của phần mềm kế toán mà doanh nghiệp đang sử dụng. 2. Về chứng từ: Tất cả các loại chứng từ đều mang tính hướng dẫn; Doanh nghiệp được tự thiết kế biểu mẫu riêng phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc điểm hoạt động của mình nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu của Luật Kế toán và đảm bảo rõ ràng, minh bạch. Trường hợp doanh nghiệp không tự xây dựng, thiết kế cho riêng mình được thì có thể áp dụng theo Phụ lục 3 Thông tư 200/2014/TT-BTC. 3. Về Tài khoản kế toán 3.1. Thay đổi chung: - Thiết kế lại toàn bộ các tài khoản phản ánh đầu tư tài chính theo thông lệ quốc tế (Chứng khoán kinh doanh, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, sẵn sàng để bán); - Xây dựng kế toán linh hoạt, cởi mở trên tinh thần cởi trói cho doanh nghiệp, trao cho doanh nghiệp quyền quyết định nhiều hơn trong tổ chức kế toán; - Tôn trọng bản chất hơn hình thức, ví dụ giao dịch có thể gọi dưới tên khuyến mại nhưng bản chất là giảm giá thì kế toán phải ghi nhận giá trị hàng khuyến mại là giá vốn và ghi nhận doanh thu trên cơ sở phân bổ theo giá trị hợp lý của hàng bán và khuyến mại; Trong giao dịch ủy thác thì người giao ủy thác mới được sử dụng TK 333 để phản ánh nghĩa vụ vì là người thực sự chi tiền nộp thuế; Người nhận ủy thác chỉ là đi làm dịch vụ nên cho dù là người giao dịch và có tên trên hồ sơ thuế cũng không được tính là nghĩa vụ của mình… - Kế toán không vì mục đích thuế mà vì mục đích chung, đảm bảo tính minh bạch rõ ràng cho tất cả những người sử dụng báo cáo tài chính (BCTC); Việc ghi nhận doanh thu và chi phí kế toán không phụ thuộc vào hóa đơn mà phụ thuộc vào các điều kiện của chuẩn mực kế toán (CMKT) có cho phép hay không; - Tách biệt kỹ thuật ghi chép kế toán và trình bày BCTC, ví dụ thuế giá trị gia tăng (GTGT) tính theo phương pháp trực tiếp hay khấu trừ đều không ảnh hưởng đến bản chất là thuế gián thu. Vì vậy, trên sổ kế toán có thể tách ngay thuế tại thời điểm ghi nhận doanh thu hoặc định kỳ mới điều chỉnh trên sổ kế toán nhưng trong mọi trường hợp, chỉ tiêu doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (BCKQHĐKD) đều không bao gồm thuế gián thu; - Cập nhật tối đa các nội dung của chuẩn mực kế toán quốc tế (CMKTQT-IAS) trên nguyên tắc không trái với Luật kế toán, như: cập nhật các nội dung của Hội đồng hướng dẫn báo cáo tài chính quốc tế (IFRIC); các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). 3.2. Không phân biệt ngắn hạn và dài hạn trên tài khoản mà chỉ phân biệt ngắn hạn, dài hạn trên bảng cân đối kế toán (BCĐKT); 3.3. Bỏ tài khoản: 129, 139, 142, 144, 159, 311, 315, 342, 351, 415, 431, 512, 531, 532 và toàn bộ tài khoản ngoài bảng 3.4. Thêm tài khoản: Tài khoản 171 – Giao dịch mua, bán lại trái phiếu Chính phủ Tài khoản 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi Tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Tài khoản 357 – Quỹ bình ổn giá Tài khoản 417 – Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp 3.5. Thay đổi các tài khoản sau: Tài khoản 121 – Chứng khoán kinh doanh (trước đây gọi là Đầu tư chứng khoán ngắn hạn) Tài khoản 128 – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (trước đây là Đầu tư ngắn hạn khác) Tài khoản 222 – Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (trước đây là Góp vốn liên doanh) Tài khoản 228 – Đầu tư khác (trước đây là Đầu tư dài hạn khác) Tài khoản 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (trước đây là Dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn) Tài khoản 242 – Chi phí trả trước (trước đây là Chi phí trả trước dài hạn) Tài khoản 244 – Cầm cố, thế chấp, kỹ quỹ, ký cược (trước đây là Ký quỹ, ký cược dài hạn) Tài khoản 341 – Vay và nợ thuê tài chính (trước đây là Vay dài hạn) Tài khoản 343 – Nhận kỹ quỹ, kỹ cược (trước đây là Nhận ký quỹ, ký cược dài hạn) Tài khoản 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu (trước đây là Nguồn vốn kinh doanh) Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (trước là Lợi nhuận chưa phân phối) Tài khoản 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (gộp 3 tài khoản 521, 531, 532 trước đây) 3.6. Hướng dẫn cụ thể nguyên tắc kế toán đối với từng loại tài khoản. 4. Về Báo cáo tài chính 4.1. Bổ sung, sửa đổi nhiều chỉ tiêu của BCĐKT; Bổ sung chỉ tiêu Lãi suy giảm trên cổ phiếu của BCKQHĐKD; Bổ sung sửa đổi một số chỉ tiêu của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp (BCLCTTTT). 4.2. Đặc biệt nhất trong hệ thống BCTC là phần thuyết minh BCTC hầu như mới toàn bộ, xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công khai, linh hoạt; Yêu cầu thuyết minh chi tiết về thông tin các bên liên quan với nhiều chỉ tiêu để góp phần chống chuyển giá; Thuyết minh về nợ xấu, nợ phải trả chậm thanh toán. 4.3. Thông tin bắt buộc trong BCTC không còn “Thuế và các khoản nộp Nhà nước”. 4.4. Kỳ lập BCTC giữa niên độ sẽ gồm BCTC quý (cả quý IV) và BCTC bán niên (trước chỉ yêu cầu BCTC quý và không cần quý IV). 4.5. Thêm các quy định mới về Xây dựng nguyên tắc kế toán và BCTC khi doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục (Điều 106). 4.6. Sửa đổi, bổ sung nhiều chỉ tiêu của Bảng Cân đối kế toán, cụ thể: - Mã số 120 = Mã số 121 + 122 +123 (trước đây là 121 + 129) - Mã số 130 = 131 + 132 + 133 + 134 + 135 +136 +137 +139 (trước đây không có 136, 137) - Mã số 150 = 151 + 152 +153 +154 + 155 (trước đây không có 153, 154 nhưng có 158) - Mã số 200 = 210 + 220 + 230 + 240 +250 +260 (trước đây không có 230) 4.7. Phần Thuyết minh báo cáo tài chính cũng có nhiều sự thay đổi, bổ sung các chỉ tiêu như: - Phần đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp bổ sung thêm: chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường; cấu trúc doanh nghiệp. - Phần chính sách kế toán áp dụng chia ra chỉ tiêu cụ thể cho 2 trường hợp: Doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục và Doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục. - Phần thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong bảng Cân đối kế toán thêm chỉ tiêu: nợ xấu; vay và nợ thuê tài chính; tài sản dở dang dài hạn… 5. Được dùng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán: Các doanh nghiệp có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tại Điều 4 Thông tư 200/2014/TT-BTC sẽ được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán. Doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán thì đồng thời với lập BCTC theo ngoại tệ còn phải chuyển đổi BCTC sang Đồng Việt Nam. BCTC mang tính pháp lý để công bố ra công chúng và nộp các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam là BCTC được trình bày bằng Đồng Việt Nam. Việc thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán nếu không thỏa các tiêu chuẩn tại Điều 4 Thông tư 200/2014/TT-BTC sẽ chỉ được thực hiện tại thời điểm bắt đầu niên độ kế toán mới. 6. Bản thuyết minh BCTC là một bộ phận hợp thành không thể tách rời của BCTC doanh nghiệp. B. Những nội dung đổi mới trong Thông tư 202/2014/TT-BTC Hướng dẫn BCTC hợp nhất: 1. Bổ sung các quy định cụ thể về nguyên tắc lập BCTC hợp nhất, như: - Nguyên tắc kế toán loại trừ khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con trong giao dịch hợp nhất kinh doanh đạt được quyền kiểm soát qua một lần mua: Bổ sung việc ghi nhận chênh lệch giữa giá trị hợp lý (FV-fair value) và giá trị ghi sổ (NBV-Net book value) trong tài sản thuần của công ty con; Ghi nhận thuế hoãn lại từ hợp nhất kinh doanh; Xử lý lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua rẻ theo CMKTQT; Đánh giá lại giá trị khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con; Xử lý chênh lệch giữa FV và NBV tài sản thuần của công ty con sau ngày mua; điều chỉnh các khoản chênh lệch do cổ phần hóa…; - Bổ sung Nguyên tắc kế toán loại trừ khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con trong giao dịch hợp nhất kinh doanh qua nhiều giai đoạn (mới hoàn toàn); - Kế toán giao dịch công ty con, công ty liên kết mua lại cổ phiếu đã phát hành (cổ phiếu quỹ) và đầu tư ngược lại công ty mẹ (mới hoàn toàn); 2. Lợi ích cổ đông không kiểm soát: Tách lợi ích cổ đông không kiểm soát theo 2 phương pháp (bổ sung một phương pháp mới); 3. Bổ sung một mục riêng để xử lý cổ tức ưu đãi của cổ đông không kiểm soát và quỹ khen thưởng phúc lợi (mới hoàn toàn); 4. Loại trừ các giao dịch nội bộ: Bổ sung một số giao dịch mới, như góp vốn vào công ty con bằng tài sản phi tiền tệ; xử lý cổ tức bằng cổ phiếu theo Nghị định 71/2013/NĐ-CP ngày 11/07/2013 của Chính Phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Sửa đổi phương pháp hợp nhất đối với các khoản cho vay trong nội bộ…; 5. Bổ sung Một chương riêng hoàn toàn mới để xử lý các khoản dự phòng trong doanh nghiệp trên báo cáo tài chính hợp nhất (BCTCHN); 6. Bổ sung 1 chương riêng mới hoàn toàn để giải quyết việc tái cấu trúc tập đoàn, có 3 nội dung: – Thoái đầu tư; – Công ty con phát hành cổ phiếu riêng lẻ; – Hợp nhất kinh doanh dưới sự kiểm soát chung (tập đoàn ngang chuyển thành tập đoàn dọc và ngược lại). Đây là vấn đề vô cùng nóng vì theo chủ trương của chính phủ, các tập đoàn phải tái cấu trúc lại, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp không cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính; 7. Bổ sung một chương riêng mới hoàn toàn để xử lý hợp nhất cho tập đoàn đa cấp và sở hữu chéo (tập đoàn dọc); 8. Bổ sung một chương riêng mới hoàn toàn hướng dẫn Báo cáo lưu chuyển tệ hợp nhất; 9. Bổ sung một chương riêng về phương pháp vốn chủ sở hữu đối với các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết: Cập nhật các nội dung theo CMKTQT, như không phân bổ lợi thế thương mại đối với khoản đầu tư vào liên doanh, liên kết; Loại trừ lãi, lỗ chưa thực hiện đối với các giao dịch giữa nhà đầu tư và công ty liên doanh, liên kết. 10. Cập nhật lại một chương về chuyển đổi BCTC của công ty con ở nước ngoài. C. Chuyển đổi số dư trên sổ kế toán cũ và mới theo Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 (Điều 126. Chuyển đổi số dư trên sổ kế toán): 1. Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số dư các tài khoản sau: - Số dư chi tiết về vàng, bạc, kim khí quý, đá quý đang phản ánh trên TK1113 & 1123 được chuyển đổi như sau: + Giá trị vàng (loại không được coi là vàng tiền tệ), bạc, kim khí quý, đá quý được sử dụng là hàng tồn kho được chuyển sang phản ánh trên các TK có liên quan về hàng tồn kho, như: TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu hoặc TK 156 - Hàng hóa theo nguyên tắc phù hợp với mục đích sử dụng và phân loại tại DN; + Giá trị vàng (loại không được coi là vàng tiền tệ), bạc, kim khí quý, đá quý không được sử dụng là hàng tồn kho được chuyển sang phản ánh trên TK 2288 - Đầu tư khác; - Số dư các khoản trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn, không nắm giữ vì mục đích kinh doanh (mua vào để bán ra với mục đích kiếm lời qua chênh lệch giá mua, bán) đang phản ánh trên TK 1212 đầu tư chứng khoán ngắn hạn được chuyển sang TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (chi tiết cho từng TK cấp 2); - Số dư các khoản cho vay, tiền gửi có kỳ hạn dài hạn đang phản ánh trên TK 228 – Đầu tư dài hạn khác được chuyển sang TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (chi tiết cho từng TK cấp 2); - Giá trị của hàng hóa bất động sản do DN xây dựng, sản xuất, đang theo dõi trên TK 1567 - Hàng hóa bất động sản được chuyển sang theo dõi trên tài khoản 1557 - Thành phẩm bất động sản. TK 1567 chỉ phản ánh những bất động sản do doanh nghiệp mua vào để bán ra như những loại hàng hóa khác. - Số dư TK 142 - Chi phí trả trước ngắn hạn được chuyển sang TK 242 – Chi phí trả trước; - Số dư TK 144 - Cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn được chuyển sang TK 244 – Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược; - Số dư các khoản dự phòng đang phản ánh trên các TK 129, 139, 159 được chuyển sang TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (chi tiết cho từng TK cấp 2 phù hợp với nội dung dự phòng); - Giá trị bất động sản do doanh nghiệp đầu tư, xây dựng (không phải mua vào để bán ra như hàng hóa) đang phản ánh là hàng hóa bất động sản trên TK 1567 được chuyển sang Tài khoản 1557 - Thành phẩm bất động sản; - Số dư các khoản đầu tư vào công ty liên kết đang phản ánh trên TK 223 được chuyển sang TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết; - Số dư TK 311 - Nợ ngắn hạn, TK 315 - Nợ dài hạn đến hạn trả, TK 342 - Nợ dài hạn chuyển sang TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính; - Khoản trích trước chi phí sửa chữa, duy trì cho TSCĐ hoạt động bình thường (đối với những TSCĐ theo yêu cầu kỹ thuật phải sửa chữa định kỳ), chi phí hoàn nguyên môi trường, hoàn trả mặt bằng và các khoản có tính chất tương tự đang phản ánh trên TK 335 – Chi phí phải trả được chuyển sang TK 352 – Dự phòng phải trả (chi tiết TK 3524); - Số dư TK 415 - Quỹ dự phòng tài chính chuyển sang TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển; 2. Các nội dung khác đang phản ánh chi tiết trên các tài khoản có liên quan nếu trái so với thông tư 200/2014/TT-BTC thì phải điều chỉnh lại theo quy định của thông tư. Xem thêm bài viết: Danh mục hệ thống tài khoản kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC ban hành ngày 22/12/2014. Chuyển đổi số dư trên sổ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC Tải về: Thông tư 200/2014/TT-BTC Biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC Bản quyền bài viết của Đào tạo kế toán Start-UP Coaching Bài viết cùng chủ đề tài chính kế toán thuế |