Có lẽ “mối duyên” giữa công ty dược Traphaco và quỹ Mekong Capital, cổ đông lớn thứ 2 ở Traphaco, đã gần đến hồi kết. Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Traphaco, nhiều khả năng Mekong Capital sẽ thoái toàn bộ 25% cổ phần đang nắm giữ tại Traphaco ngay trong năm nay. Nếu không xét đến thời điểm khác nhau của các dòng tiền vào ra, suất sinh lợi trên vốn đầu tư vào Traphaco của Mekong Capital nhiều khả năng sẽ đạt 26-30%/năm. Có lẽ “mối duyên” giữa công ty dược Traphaco và quỹ Mekong Capital, cổ đông lớn thứ 2 ở Traphaco, đã gần đến hồi kết. Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Traphaco, nhiều khả năng Mekong Capital sẽ thoái toàn bộ 25% cổ phần đang nắm giữ tại Traphaco ngay trong năm nay. Trong khi đó, cổ đông lớn nhất tại Traphaco là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn được Chính phủ chấp nhận tiếp tục giữ vốn tại Traphaco, cùng với số vốn tại Dược Hậu Giang và Công ty Xuất nhập khẩu Y tế Domesco. Theo bà Thuận, việc Mekong Capital thoái vốn sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến viễn cảnh phát triển của Traphaco, đồng thời sự kiện này sẽ mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài khác bởi Traphaco nằm trong số các mã cổ phiếu luôn kín room khối ngoại. Về phía Mekong Capital, đại diện của quỹ này đã từ chối trả lời các câu hỏi của NCĐT liên quan đến việc thoái vốn tại Traphaco. Tuy nhiên, do năm 2017 là thời điểm Quỹ Vietnam Azalea (do Mekong Capital quản lý và đang đầu tư vào Traphaco) đến hạn đóng quỹ, nên việc giá cổ phiếu Trapaco tăng hơn 40% trong hơn một năm qua sẽ là cơ hội tốt cho Mekong Capital, nếu họ quyết định thoái vốn. Mekong Capital đầu tư vào Traphaco từ đầu năm 2008 với mức giá mua trung bình hơn 123.000 đồng/cổ phiếu. Các năm sau đó, quỹ này tiếp tục duy trì và nâng tỉ lệ sở hữu lên 25%. Tính sơ bộ, tổng giá trị Mekong Capital đầu tư vào Traphaco là khoảng 200 tỉ đồng. Chưa tính khoản cổ tức bằng tiền được chia trong suốt gần 8 năm nắm giữ, với thị giá cổ phiếu Traphaco hiện nay là hơn 100.000 đồng/cổ phiếu, nếu thoái vốn ngay lập tức, Mekong Capital sẽ thu về 616 tỉ đồng, gấp khoảng 3 lần so với số vốn đầu tư. Nếu không xét đến tính thời điểm khác nhau của các dòng tiền vào ra, suất sinh lợi trên vốn đầu tư vào Traphaco của Mekong Capital nhiều khả năng sẽ nằm trong khoảng 26-30%/năm. Liệu đây có phải là khoản đầu tư tốt cho quỹ đầu tư tư nhân này? Năm 2014, Mekong Capital thoái vốn khỏi tập đoàn kinh doanh nhà hàng Golden Gate và đạt suất sinh lợi trên vốn lên đến 45,1% năm. Còn giả định nếu quỹ này thoái vốn hoàn toàn khỏi chuỗi bán lẻ điện thoại Thế Giới Di Ðộng ngay lúc này, suất sinh lợi thu về chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều. Do đó, cũng dễ hiểu khi trong 2 năm qua, Mekong Capital đã tìm cách thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Traphaco, thậm chí giới thiệu vào ban điều hành một số nhà lãnh đạo mới nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng. Năm 2014, kết quả kinh doanh của Traphaco tuy không như ý, nhưng việc tái cấu trúc bộ máy hoạt động đã bắt đầu mang lại hiệu ứng tích cực kể từ năm 2015. Tính đến cuối năm 2015, tổng số đại lý của Traphaco trên toàn quốc tăng thêm 4.000 so với năm 2014. Hệ thống phân phối được mở rộng đáng kể sau khi Traphaco mua lại các doanh nghiệp dược ở Thái Nguyên, Quảng Trị và Đắk Lắk. Công ty đã tính cực mở rộng mạng kênh bán hàng OTC khi kênh bán thuốc vào các bệnh viện ngày càng cạnh tranh. Đồng thời, Traphaco cũng ứng dụng công nghệ vào việc giám sát bán hàng và quản lý hàng tồn kho, cải thiện hiệu quả kinh doanh. Kết quả là năm 2015, Traphaco ghi nhận doanh thu 1.981 tỉ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước đó. Tín hiệu tích cực này mang đến niềm tin mới cho bà Thuận và cộng sự trong các năm kế tiếp. Thậm chí, mục tiêu mà Traphaco đặt ra là sẽ bắt kịp đối thủ Dược Hậu Giang để trở thành công ty dẫn đầu thị trường dược Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Traphaco đang tích cực đầu tư các nhà máy mới. Trong đó, lần đầu tiên Công ty sẽ lấn sân sang sản xuất tân dược khi dự án Nhà máy dược Việt Nam dự kiến sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2017. Tuy nhiên, tham vọng lớn thì sức ép dành cho những nhà đầu tư tài chính đồng hành với Traphaco sẽ là không nhỏ. Chia sẻ với giới truyền thông, bà Thuận cho biết trong đại hội cổ đông tới, Traphaco sẽ trình phương án tăng vốn bởi vốn điều lệ hiện tại khá nhỏ, chỉ mới 247 tỉ đồng (nhỏ hơn 3 lần so với Dược Hậu Giang), trong khi Công ty cần thêm nguồn lực để duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong 5 năm tới. Đây sẽ là yêu cầu mà Mekong Capital khó đáp ứng, nhất là khi thời hạn đóng quỹ đã đến. Mặt khác, triển vọng của ngành dược trong tương lai cũng khó đoán. Dù nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn đang tăng trưởng vững chắc, nhưng một khi Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, các doanh nghiệp dược nội địa như Traphaco sẽ phải đối mặt với thách thức khi thời gian bảo hộ bản quyền thuốc gốc sẽ tăng lên, gây khó khăn cho việc sản xuất thuốc đại trà (generic). Ngoài ra, khả năng nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp này vẫn được xem là khá yếu so với các đối thủ nước ngoài. Sắp tới, việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện cũng diễn ra công khai và sẽ không có sự phân biệt giữa các hãng dược nước ngoài với các hãng trong nước. Một số công ty dược từ Trung Quốc, Ấn Độ nhờ lợi thế giá rẻ nên được đánh giá sẽ mang đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội. Có thể nói, sau khi xem xét đến các yếu tố kể trên, việc Mekong Capital lựa chọn năm 2016 để thoái vốn khỏi Traphaco cũng là điều hợp lý. Nguồn: Nhịp cầu đầu tư |
Giamdoc.netChuyên trang Blog nội dung về quản lý kinh doanh, dự án, các kỹ năng quản lý điều hành và tư vấn khởi tạo doanh nghiệp thành công. Các nội dung này nhằm cung cấp thông tin, kiến thức cho thành viên trên trang cũng như bạn đọc có thêm một kênh thông tin hỗ trợ phát triển kinh doanh. |