Hiện có 2 Phương pháp tính thuế GTGT, DN nên lựa chọn phương pháp nào để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp – số thuế GTGT phải nộp là nhỏ nhất. Trước hết, để biết DN nên chọn Phương pháp tính thuế GTGT, cần hiểu rõ về từng phương pháp. 1. Phương pháp khấu trừ: Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ. Bao gồm: a) Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ. b) Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo Phương pháp khấu trừ thuế. Doanh nghiệp mới thành lập có thực hiện đầu tư theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng Phương pháp khấu trừ thuế. Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có dự án đầu tư không thuộc đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư nhưng có phương án đầu tư được người có thẩm quyền của doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt thuộc đối tượng đăng ký áp dụng Phương pháp khấu trừ thuế. c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh. d) Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ. đ) Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế GTGT đầu vào, đầu ra không bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã. Doanh nghiệp, hợp tác xã hướng dẫn tại điểm a khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày 20 tháng 12 của năm trước liền kề năm người nộp thuế thực hiện phương pháp tính thuế mới. Cơ sở kinh doanh hướng dẫn tại điểm b, c khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Khi gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế trực tiếp, cơ sở kinh doanh không phải gửi các hồ sơ, tài liệu chứng minh như dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương án đầu tư được người có thẩm quyền của doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt, hóa đơn đầu tư, mua sắm, hồ sơ nhận góp vốn, hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh. Cơ sở kinh doanh lưu giữ và xuất trình cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. Trường hợp cơ sở kinh doanh mới thành lập từ ngày 01/01/2014 chưa đủ điều kiện đăng ký tự nguyện áp dụng Phương pháp khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại điểm b, c khoản 3 Điều 12 Thông tư 219/2013/TT- BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, nếu đáp ứng được các điều kiện hướng dẫn tại điểm b, c khoản này thì được áp dụng theo hướng dẫn tại điểm b, c khoản 3 Điều 12 Thông tư này. Cơ sở kinh doanh hướng dẫn tại điểm d khoản này phải Lập mẫu 06/GTGT - Đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Cơ sở kinh doanh hướng dẫn tại điểm đ khoản này phải Lập mẫu 06/GTGT - Đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT gửi tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 20 tháng 12 của năm trước liền kề năm người nộp thuế thực hiện phương pháp tính thuế mới. Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được mẫu 06/GTGT - Đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT , cơ quan thuế phải có văn bản thông báo cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh biết việc chấp thuận hay không chấp thuận mẫu 06/GTGT - Đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT. (Theo khoản 3, điều 3, Thông tư 119/2014/TT-BTC, ngày 25/08/2014) Căn cứ để tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ áp dụng theo mức thuế suất thuế GTGT trong Bảng tổng hợp thuế suất thuế GTGT - Khai và nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ 2. Phương pháp trực tiếp: Theo hướng dẫn tại điều 13, Thông tư 219/2013/TT-BTC, ban hành ngày 31/12/2013, hướng dẫn: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu áp dụng như sau: Đối tượng áp dụng: - Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư này; - Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 12 Thông tư này; - Hộ, cá nhân kinh doanh; - Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí. - Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ. Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động được tổng hợp ở Bảng tổng hợp thuế suất thuế GTGT - Khai và nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp như sau: Sau khi hiểu rõ 2 Phương pháp tính thuế GTGT trên, DN tùy theo tình hình và đặc điểm hoạt động mà lựa chọn phương pháp nào để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp – số thuế GTGT phải nộp là nhỏ nhất. Tham khảo một số trường hợp: Trường hợp 1: Đối với những doanh nghiệp có số thuế GTGT mua vào gần tương ứng với số thuế GTGT bán ra, có nghĩa là chênh lệch giữa thuế GTGT bán ra và thuế GTGT mua vào không đáng kể, nên số thuế GTGT phải nộp ít, hoặc không phải nộp thuế GTGT. Những doanh nghiệp loại này thì nên chọn Phương pháp tính thuế GTGT theo Phương pháp khấu trừ. - Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình cho doanh nghiệp chế xuất; vận tải quốc tế;…áp dụng mức thuế suất đầu ra là 0%; doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ hàng hóa mà không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Vì DN không phát sinh số thuế GTGT phải nộp, còn được hoàn thuế GTGT đầu vào. - Doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT như: sản phẩm trồng trọt, giống vật nuôi, giống cây trồng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ cấp tín dụng, kinh doanh chứng khoán, dịch vụ y tế, dịch vụ bưu chính viễn thông, công ích, dạy học, dạy nghề, Vì DN không phát sinh số thuế GTGT phải nộp. - Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, hay các ngành nghề khác mà có đầy đủ hóa đơn GTGT của hàng mua vào tương ứng với hàng bán ra chịu thuế GTGT, và chênh lệch giữa giá bán ra và giá mua là nhỏ (tỷ lệ lợi nhuận thấp). Vì số thuế GTGT phải nộp ít. Trường hợp 2: Đối với những doanh nghiệp không có số thuế GTGT mua vào, hoặc thuế GTGT mua vào quá nhỏ so với số thuế GTGT bán ra, nên số thuế GTGT phải nộp là rất lớn nếu chọn Phương pháp tính thuế GTGT theo Phương pháp khấu trừ. Những doanh nghiệp loại này thì nên chọn Phương pháp tính thuế GTGT theo Phương pháp trực tiếp. - Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn thiết kế, lập dự toán, tư vấn pháp lý, dịch vụ cung cấp nhân sự, các dịch vụ khác mà chi phí chủ yếu là tiền lương (nhân công/chất xám) hoặc chi phí không có hóa đơn GTGT. - Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, hay các ngành nghề khác mà không có hóa đơn GTGT của hàng mua vào như mua bán sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp, đất đá cát sỏi (mua từ người trực tiếp sản xuất bán ra). Vì số thuế GTGT đầu vào là hầu như không có hoặc rất nhỏ so với thuế GTGT đầu ra. Nếu chọn Phương pháp tính thuế GTGT theo Phương pháp khấu trừ thì số thuế phải nộp là rất lớn. Chính vì thế nên chọn Phương pháp tính thuế GTGT theo Phương pháp trực tiếp sẽ tối ưu hơn vì số thuế GTGT phải nộp ít. Xem thêm: Bảng tổng hợp thuế suất thuế GTGT - Khai và nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp Bảng tổng hợp thuế suất thuế GTGT - Khai và nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ Bản quyền bài viết của Đào tạo kế toán Start-UP Coaching Tham khảo các bài viết kế toán thuế |