Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động, có những điểm mới như sau: 1. Tiền lương và các chế độ, phúc lợi khác ghi trong hợp đồng lao động Tiền lương: Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán. Các khoản phụ cấp: Các khoản phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp để bù đắp về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện làm việc ghi rõ trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung khác: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động. Các chế độ, phúc lợi: Các khoản phục lợi: tiền ăn ca, tiền thưởng sáng kiến, các khoản hỗ trợ xăng xe - điện thoại,...ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động. 2. Hợp đồng lao động với lao động là người cao tuổi: Khi người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc tại DN, người lao động cao tuổi và người sử dụng lao động thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động cho phù hợp với quy định của pháp luật về lao động đối với người lao động cao tuổi. 3. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thất nghiệp: Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư này của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm. (Bao gồm tiền lương, các khoản phụ cấp đền bù, các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể). 4. Lý do chính đáng khi người lao động xin nghỉ: Do thiên tai, hỏa hoạn mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc; Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp, đứa trẻ mà người lao động mang thai hộ đang nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Tải về thông tư, nghị định tại đây: Nghị định 05/2015/NĐ-CP Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH |