Lãnh đạo Bộ Lao động thông tin, phụ cấp tính đóng bảo hiểm xã hội theo quy định mới là những khoản cố định, ít biến động, không bao gồm tiền thưởng, phụ cấp ăn trưa, xăng xe, điện thoại... Cách đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng khiến người lao động băn khoăn về các khoản phụ cấp phải đóng. Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có những trao đổi rõ hơn về vấn đề này. - Từ 1/1/2016, đóng BHXH dựa trên lương và phụ cấp nhưng đến nay Bộ vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể là những loại phụ cấp nào. Là cơ quan chủ trì soạn thảo thông tư, bà cho biết đó là những khoản nào? - Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định quy định một số điều về BHXH bắt buộc (Nghị định 115), Bộ Lao động sẽ hướng dẫn theo hướng tiền đóng BHXH từ 1/1/2016 đến hết năm 2017 dựa trên Thông tư 47 mà Bộ mới ban hành trong tháng 11. Theo đó, tiền này bao gồm mức lương, phụ cấp lương. Phụ cấp bao gồm các khoản để bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ. Từ 1/1/2018, đóng BHXH sẽ dựa trên mức lương cùng với phụ cấp lương và các khoản bổ sung. Các khoản bổ sung được xác định là mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Đây là những khoản thường xuyên, không hoặc ít biến động. Trong Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH cũng loại trừ rất nhiều khoản không phải đóng, như tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, tiền đi lại, điện thoại, tiền nuôi con nhỏ, sinh nhật... Bộ sẽ ban hành thông tư trước thời điểm luật có hiệu lực và có nhiều ví dụ để người lao động và doanh nghiệp dễ thực hiện. - Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội nói gì khi nhiều lao động lo lắng mức đóng cao sẽ khiến thu nhập bị giảm, không trông chờ vào tương lai hưởng lương hưu? - Thực ra, tỷ lệ đóng BHXH vẫn như cũ nhưng nền đóng cao hơn. Lao động đóng một đồng thì doanh nghiệp phải đóng hai đồng. Những khó khăn trước mắt khiến người lao động khó đóng góp, nhưng tương lai mới là điều quan trọng. Khi còn trẻ, còn sức khỏe thì khó khăn trước mắt có thể vượt qua, tuổi già ập đến mà không có lương hưu chi trả cuộc sống thì dễ hụt hẫng. Hiện nay, chủ sử dụng lao động chỉ đóng BHXH cho người lao động trên mức lương tối thiểu vùng. Sau này, dù có nhận được lương hưu tối đa bằng 75% mức đã đóng thì người lao động vẫn có lương hưu thấp hơn cả lương tối thiểu vùng. Lấy ví dụ thực tế, nhiều doanh nghiệp trả cho người lao động tiền lương là 15 triệu nhưng đóng BHXH trên nền lương 3-4 triệu thôi. Khi còn sức khỏe, kế hoạch chi tiêu có thể dựa vào trên số lương 15 triệu đó, nhưng khi về già thì chỉ được hưởng tối đa 75% của 3-4 triệu thôi. Như vậy kế hoạch chi tiêu bị đảo lộn, người về hưu sẽ rất khó khăn. Thấy rất rõ vừa qua, Quốc hội phải thông qua hỗ trợ cho những người hưởng lương hưu dưới 2 triệu đồng. - Giữa tăng lương hưu và trượt giá, cái nào tăng cao hơn? - Năm nay, chỉ số tăng giá chỉ 0,65%, thấp nhất trong 14 năm qua. Có thể thấy, lương công chức 3 năm rồi không điều chỉnh song lương hưu thì hầu như năm nào cũng được tăng. Lương hưu cũng là trụ cột chính của an sinh xã hội, nên nhà nước không bao giờ để cho quỹ này bị "vỡ". Bao giờ cũng có dự báo sự cân đối quỹ này trong dài hạn. Song tuổi thọ càng cao thì chính sách cần có sự thay đổi trong việc thụ hưởng lương hưu. - Cơ quan quản lý nhà nước giám sát thế nào khi doanh nghiệp chuyển phụ cấp của người lao động sang các loại tiền khác để giảm chi phí đóng? - Dựa vào công tác thanh tra, từ năm 2016 cơ quan bảo hiểm có thêm chức năng thanh tra việc đóng BHXH của doanh nghiệp. Những loại tiền được xác định là phụ cấp mà doanh nghiệp lại "né" sang loại khác thì thanh tra sẽ phát hiện được. Trước đây, nhiều doanh nghiệp lạm dụng tiền đóng BHXH của người lao động để phục vụ sản xuất, kinh doanh, thay vì phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao và thủ tục hạn chế. Theo quy định cũ, doanh nghiệp chậm đóng chỉ bị phạt vi phạm bằng một lần lãi suất đầu tư nhưng luật mới nâng mức phạt lên gấp đôi để hạn chế tình trạng này. Hơn nữa, Luật hình sự sửa đổi cũng bổ sung một số tội danh như trốn đóng, lạm dụng tiền đóng BHXH, truy cứu trách nhiệm hình sự để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện quyền thụ hưởng đối với người lao động. Việc thu - đóng BHXH cũng minh bạch, rõ ràng hơn, như 6 tháng một lần doanh nghiệp phải công khai tham gia BHXH như thế nào để người lao động biết. Hàng năm, cơ quan BHXH cũng có thông tin đến người lao động về tình hình đóng của họ. - Bà bình luận gì về ý kiến cho rằng bảo hiểm xã hội đang tận thu? - Bộ luật Lao động 2012 chính thức có hiệu lực tháng 5/2013 quy định đóng BHXH trên nền tiền lương khi ký hợp đồng lao động. Điều 90 Bộ luật này nói rõ tiền đóng BHXH dựa trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Nhưng Quốc hội đã cân nhắc "sức khỏe" của doanh nghiệp và cho phép BHXH được thực hiện theo hai bước rõ ràng: Từ 1/1/2016 đến hết năm 2017: đóng BHXH dựa trên lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Từ 1/1/2018 trở đi đóng dựa trên lương, phụ cấp, các khoản bổ sung. Vì vậy, nói tận thu thì không đúng. Mục đích của việc nâng nền tiền đóng cao hơn là để cải thiện đời sống của người hưởng BHXH. 'Sẽ tạm thu nếu không kịp ban hành văn bản hướng dẫn' Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, nếu thông tư hướng dẫn về đóng BHXH bắt buộc không kịp ban hành khi luật bắt đầu có hiệu lực, thì việc đóng BHXH theo cách tính mới vẫn tiến hành bình thường. "Có thể thu theo hướng tạm thời. khi nào thông tư có hiệu lực sẽ tính lại. Doanh nghiệp nộp thừa thì trừ vào khoản thu tháng tiếp theo. Tuy nhiên, Bộ sẽ cố gắng ban hành văn bản kịp thời để việc thu được tiến hành bình thường, hiệu quả", ông nói. Phương Hòa ghi Nguồn: vnexpress.net |