Quy định giảm mức tiền chậm nộp thuế 0,05%/ngày (lãi suất tính trên số tiền thuế chậm nộp) xuống mức thấp hơn là 0,03%/ngày để phù hợp với mặt bằng lãi suất ngân hàng đã giảm nhiều so với trước đây, bảo đảm tính khả thi của quy định xử phạt, đồng thời chia sẻ khó khăn với người nộp thuế. Ngày 06/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế mới có hiệu lực từ ngày 01/07/2016. Trong đó có quy định giảm mức tiền chậm nộp thuế 0,05%/ngày (lãi suất tính trên số tiền thuế chậm nộp) xuống mức thấp hơn là 0,03%/ngày. Từ 1/7/2016, doanh nghiệp (DN) nộp thuế chậm sẽ chịu lãi 0,03%/ngày, tương đương 0,9%/tháng cho số tiền thuế chậm nộp, thay vì 0,05%/ngày như trước đó. Quy định này dường như đã xoa dịu một phần những bức xúc của DN chậm được hoàn thuế. Ông Đỗ Văn Vẻ là một Đại biểu Quốc hội của tỉnh Thái Bình nhưng cũng là Phó Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn Hương Sen đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội DN tỉnh Thái Bình. Bình luận về mức lãi chậm nộp thuế 0,03%/ngày mà DN phải nộp, ông Vẻ cho biết, khác với lãi tiền vay trả ngân hàng, tiền chậm nộp thuế không được tính vào chi phí mà DN phải lấy từ lợi nhuận sau thuế. Thực tế đã có không ít ĐBQH cho rằng, đồng thời với quy định phạt chậm nộp tiền thuế phải tính lãi trả DN trong trường hợp thu thừa thuế hoặc chậm hoàn thuế cho DN. Với tư cách ĐBQH, ông Vẻ kiến nghị Quốc hội cân nhắc đưa vào quy định phải trả lãi cho người nộp thuế trong các trường hợp thu thừa thuế hoặc chậm hoàn thuế. Chủ tịch Hội DN cơ khí, điện TP HCM ông Đỗ Phước Tống cũng kiến nghị, cần có quy định trong vòng bao nhiêu ngày thì cơ quan thuế phải giải quyết hoàn thuế cho DN. Nếu quá thời hạn quy định, DN được trả lại đúng số tiền phát sinh ngày chậm hoàn thuế, với cách tính lãi bằng đúng với tỉ lệ mà cơ quan thuế đã tính với DN. Có như vậy may ra tình trạng treo tiền hoàn thuế của DN mới được giải quyết nhanh hơn. Nhà nước chậm hoàn thuế mà không có lý do chính đáng thì cũng phải chịu lãi như mức DN phải chịu lãi đối với nhà nước. Đại diện đến từ chính cơ quan thuế, ông Nguyễn Văn Hải – Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh cũng chia sẻ, không ít DN lao đao vì bị chậm tiền hoàn thuế, bởi DN phải vay ngân hàng để sản xuất, kinh doanh, chưa kể nhiều chi phí khác phát sinh. Do đó, ông Hải cho rằng nếu chậm hoàn thuế, Nhà nước phải trả lãi cho DN một cách sòng phẳng. Theo quy định hiện hành, đối với trường hợp hoàn trước kiểm sau, nếu hồ sơ đầy đủ, cơ quan thuế phải giải quyết hoàn thuế cho DN sau 60 ngày nộp hồ sơ. Còn đối với hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau, trong phạm vi 45 ngày cơ quan thuế phải kiểm tra xong và hoàn thuế ngay cho DN. Như vậy, thời gian để tính ngày chậm hoàn thuế cho DN đã có mốc cụ thể. Vậy mức bồi thường tiền chậm hoàn thuế theo lãi suất bào nhiêu thì phù hợp? Khi bàn về mức tiền phạt chậm trả thuế ĐB Trần Du Lịch – Đoàn ĐB TP HCM cho rằng, với mức 0,03%/ngày tương đương hơn 10%/năm. Mức này có thể hiểu là Nhà nước cho DN vay thay vì họ tới ngân hàng vay. Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, nhiệm kỳ Quốc hội tới đây cần phải sửa cơ bản lại luật về quản lý thuế. Nếu 80% DN chấp hành tốt thì thông thoáng cho họ, còn 20% DN có thể là những người không chấp hành tốt thì không bao giờ làm luật để điều chỉnh 20% không tốt đó để làm khổ cho 80% chấp hành tốt. Quan điểm về thu thuế phải sửa luật theo hướng đó, 20% DN kia không phải Luật quản lý thuế. Nhiều quốc gia trên thế giới xử lý bằng cách phạt rất nặng, đến mức DN vi phạm phải sạt nghiệp. Qua đó, những DN vi phạm mới sợ. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, những DN tự giác đóng thuế thì tạo điều kiện tối đai cho họ, đó mới là một Luật quản lý thuế tốt. Nguồn: Bá Tú http://enternews.vn/ Xem thêm: Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế mới có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 Hướng dẫn: Thủ tục hoàn thuế GTGT theo Thông tư 156/2013/TT-BTC và Thông tư 219/2013/TT-BTC Bài viết cùng chủ đề kế toán thuế |